1:21 PM 'CÙNG NHAU' VỚI GIÁO DỤC BẮC ÂU | |
Trong chuyến đi xúc tiến giáo dục với các nước Bắc Âu, những người làm quản lý và thực hành giáo dục Việt Nam đã cùng nhau 'tai nghe, mắt thấy' về giáo dục ưu việt ở các nước này. Cuối năm 2016, tại buổi gặp báo chí, ông Ilkka Pekka Simlla, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã giới thiệu rằng, sau nhiều bàn bạc và cân nhắc, Phần Lan đã chọn hai chữ “cùng nhau” để làm chủ đề cho các hoạt kỷ niệm 100 năm nước này giành độc lập (1917 – 2017). “Cùng nhau” là chữ thể hiện tinh thần sống và làm việc của người Phần Lan trong cả một thế kỷ xây dựng đất nước phát triển như ngày hôm nay Một điểm nhấn của chuỗi sự kiện đó là chuyến đi công tác của Bộ GD-ĐT Việt Nam tới Phần Lan. Tại buổi trao đổi về đào tạo giáo viên tại Cơ quan phát triển giáo dục quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi khi Phần Lan xác định chuyển mục tiêu giáo dục phổ thông từ "Học cái gì" sang "Học thế nào" thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên ra sao. Đại diện của Phần Lan đã trả lời "mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau, hiệu trưởng và những giáo viên khác cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp đồng nghiệp mình phát triển. Trong chuyến đi xúc tiến giáo dục với các nước Bắc Âu (gồm Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển) diễn ra từ ngày 28/8 đến 2/9/2017, những người làm quản lý và thực hành giáo dục Việt Nam đã cùng nhau "tai nghe, mắt thấy" về giáo dục ưu việt ở các nước này. Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan quốc gia về giáo dục cho biết, mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, Phần Lan vẫn tiếp tục cải tổ. Để đón đầu cho xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, nước này xác định 7 giá trị cốt lõi của con người, trong đó chú trọng tới “tính người” và “công dân toàn cầu”. Bà Anneli Rautiainen, Giám đốc trung tâm đổi mới giáo dục nói rằng, có rất nhiều vấn đề xảy ra trong xã hội, chúng tôi muốn phát triển lòng nhân ái của các em, giúp thành người; muốn mỗi học sinh như cá nhận trọn vẹn, không chỉ thấy vấn đề cá nhân của cộng đồng mình mà còn cả cộng đồng thế giới. Tại Phần Lan đã diễn ra lễ ký kết 18 biên bản ghi nhớ của các cơ sở giáo dục 2 bên. Khoa Sư phạm của Trường Đại học Helsinki, nằm trong top 50 các trường đào tạo sư phạm trên thế giới, tỷ lệ sinh viên được nhận hàng năm vào khoa này chỉ có 5% - thấp ngang trường khó vào nhất ở Mỹ là Đại học Stanford. Mỗi năm trường tốt nghiệp 400 thạc sỹ và 20 tiến sỹ giáo dục (Ở Phần Lan phải có bằng thạc sỹ mới có thế làm giáo viên). Mỗi năm cả nước tốt nghiệp khoảng 2.500 giáo viên. 100% giáo viên ra trường cũng đều có việc làm. Nhà nước khảo sát nhu cầu nhân lực từ ngành giáo dục và đưa ra một dự đoán (khá chuẩn) về số lượng giáo viên cần có. “Chỉ tiêu” này được thống nhất với các trường đại học và mọi người chấp hành nghiêm chỉnh. Đến Trường ĐH Alto, hiệu trưởng các trường đại học của Việt Nam đã tìm hiểu về cách quản tri đại học, phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo. ĐH Alto là trường nổi tiếng về khởi nghiệp và sáng tạo. Đây là trường được hợp nhất từ 3 trường nhỏ khác trong năm 2009, trong khuôn viên trường hiện có văn phòng đại diện của 200 doanh nghiệp. Trong ảnh là buổi gặp giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với sinh viên Việt Nam tại Phần Lan. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng du học sinh theo học tại Phần Lan, với 2.516 sinh viên ở bậc cử nhân và thạc sỹ. Con số này chỉ đứng sau Nga (gần 3.000) và vượt xa Trung Quốc (dưới 600). Một trong những lý do chính thị trường này hấp dẫn là vì Phần Lan từ trước tới nay không thu học phí với sinh viên nước ngoài (mà chỉ cần khoảng 5.000 euro/năm cho chi phí ăn ở). Tuy nhiên chính sách này đã thay đổi và từ năm 2017 trở đi các trường sẽ bắt đầu thu phí với sinh viên ngoài khối EU. Học phí cho du học sinh bậc cử nhân sẽ từ 4.000-12.000 euros/năm cho cử nhân và 4.500-18.000 euro/năm cho thạc sỹ, chưa kể chi phí ăn ở; vẫn rẻ hơn các nước nói tiếng Anh. Tại một lớp ở Trường Tiểu học Lautasaari (thành phố Helsinki). Ở đây giáo viên sẽ tự chủ xây dựng bài giảng của mình; có những bài giảng bàn bạc với học sinh để thiết kế. Lớp học có kiến trúc không gian mở, thậm chí hai lớp chỉ cần ngăn bằng vách có thể kéo ra kéo vào, để chi cần thiết thì 2 lớp tổ chức các hoạt động giáo dục chung. Học sinh thoái mái nằm và ngồi. Trong một lớp học ở trường trung học Makelanrinne (Helsinki). Trường đào tạo chuyên về thể thao, có nhiều học sinh tốt nghiệp từ trường tham gia đội tuyển của quốc gia dự Thế vận hội thế giới. Tại Phần Lan, sau khi học xong THCS, 60% chọn hướng hoc trung học nghề, còn lại vào trung học phổ thông. Tại Bộ Đại học và Khoa học Đan Mạch sang 30/8 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa 17 đơn vị đào tạo giữa 2 bên, tập trung vào các lĩnh vực y dược, mỏ địa chất, kinh doanh, công nghệ. Trường ĐH Ngoai thương - một cơ sở hoạt động hiệu quả trong liên kết đào tạo quốc tế - lần này đặt vấn đề hợp tác trong giáo dục phổ thông. Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch Ulla Tornaes diễn ra ngày 31/8, hai bên đã thảo luận về chương trình STEM, kết hợp giữa trường phổ thông và Lego. Đồng thời, trao đổi kết quả và định hướng hợp tác trong thời gian tới. Đan Mạch hiện có 8 trường đại học lớn, hơn 65% học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ vào đại học. Tại buổi trao đổi về các vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học, phía Đan Mạch cũng nêu ra vấn đề họ đang phải giải quyết là sự gia tăng về quy mô, số lượng có ảnh hưởng gì tới chất lượng đào tạo đại học. Trò chuyện với học sinh tại Trường Hellerup Skole, một trường học liên cấp từ mầm mon đến trung học cơ sở tại thủ đô Copenhaghen (Đan Mạch). Đây là tường học được thiết kế theo không gian mở, không có các lớp học đóng kín, học sinh cùng cấp học ở chung tầng và có thể đi lại thoải mái trong giờ học. Hội thảo Tripple Helix tại Trường ĐH Uppsala, tỉnh Uppsala. Một thảo luận bàn tròn về quan hệ doanh nghiệp, nhà trường và chính phủ đã diễn ra sôi nổi giữa các trường. Thảo luận tại diễn đàn gắn kết đào tạo với doanh nghiệp tại Trường ĐH Uppsala (Thuỵ Điển) sáng 1/9. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ký kết hợp tác với Trường ĐH Uppsala. Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sang đây có thêm niềm tin vào hướng đổi mới giáo dục đại học theo hướng quốc tế hoá. Trường thì thêm kinh nghiệm quản lý, trường thêm về kiểm định. Tôi thấy việc cần là phải đẩy mạnh quốc tế hoá nhanh hơn, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy trong trường để hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ăn trưa cùng với các học sinh Trường trung học Rosendalsgymnasie. Trường dạy bằng tiếng Thuỵ Điển nhưng học sinh hầu hết nói tiếng Anh khá thành thạo. Học sinh thường xuyên được dạy học với cách làm dự án theo nhóm. Kết thúc THPT, các em không phải dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá kết quả học tập sẽ do giáo viên và nhà trường đảm nhiệm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hội đàm với bà Ulrika Modeer, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển NGÀY 2/9. Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị phía bạn xem xét khả năng hỗ trợ về giáo dục cho các vùng khó khăn và tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong các chương trình hiện có. Bộ trưởng cũng đề nghị bà Quốc vụ khanh trong việc ủng hộ Đại sứ Phạm Sanh Châu trở thành Tổng Giám đốc UNESCO. Tại Uỷ ban giáo dục đại học Thuỵ Điển, hai bên đã trao đổi về công tác kiểm định các chương trình đại học, đánh giá chất lượng đại học. Hiện nay Thuỵ Điển đang đẩy mạnh công tác này. Trong số hơn 2.000 chương trình kiểm định, có khoảng 10% không đạt yêu cầu. Đơn vị chuyên trách đã yêu cầu các trường có thời gian 1 năm để hoàn thiện, nếu vẫn không đạt chuẩn thì cho dừng chương trình. Hội nhập quốc tế là 1 trong 9 nhiệm vụ mà ông Phùng Xuân Nhạ từ khi làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ưu tiên quan tâm, trở thành nhiệm vụ thường xuyên kể từ năm học 2016 - 2017. Tìm kiếm các cơ hội hợp tác, học hỏi từ những nền giáo dục tiên tiến và ứng dụng phù hợp với thực tiễn của từng cơ sở giáo dục sẽ góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ký các biên bản ghi nhớ coi như là việc khai mở, các trường phải theo tiếp sau các ký kết này, cày cấy gì trên mảnh đất đó mới quan trọng.
(Nguồn tin: http://www.vietnammoi.vn/cung-nhau-voi-giao-duc-bac-au-48852.html) | |
|
Total comments: 0 | |